Giáp Văn Dương
Vũ trụ
trong một hạt bụi, theo nghĩa những tính chất cơ bản nhất của vũ trụ có thể tìm
thấy trong một hạt bụi nhỏ, là một ám ảnh không chỉ của phương Đông mà còn của
nhiều người làm khoa học. Phải chăng hạt boson Higgs vừa được tìm thấy tuần
qua, là một hạt như vậy?
Cách đây vài năm, mỗi khi đi qua tầng 2 khoa Lý của Đại
học Liverpool, tôi lại thấy những tấm poster về Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử
Châu  (CERN). Trong số đó, đáng chú ý nhất là những hình ảnh về máy gia tốc hạt
lớn (LHC), đưa vào sử dụng này 10/9/2008. Đây là máy gia tốc hiện đại và lớn nhất
thế giới, niềm hy vọng của giới khoa học trong việc khám phá cấu trúc sâu xa của
vật chất. Qua những tấm poster này, tôi được biết nhóm vật lý ở Đại học
Liverpool tham gia thiết kế máy đo (detector) cho ATLAS, một trong hai máy đo
chính của LHC. Một số thông số của ATLAS như sau: dài 45 m, cao 28 m, nặng 7000
tấn.
Cũng qua những tấm poster này, tôi được biết đây là một
dự án khoa học khổng lồ, đã kéo dài gần ba chục năm và thu hút hàng chục nghìn
nhà khoa học đến từ hơn 100 nước trên thế giới. Riêng nhóm ATLAS đã có đến hơn
3000 nhà khoa học từ 38 nước khác nhau đến làm việc.
Tuy không làm về vật lý hạt cơ bản, nhưng mỗi khi thấy
những hình ảnh về LHC, đọc những thông tin về các dự án mà các nhà khoa học
đang thực hiện, và đặc biệt là khi đi qua những ô làm việc của các đồng nghiệp,
nhiều khi còn sáng đến cho đến tận khuya, lòng tôi không khỏi rộ lên một niềm
ghen tị với họ, khi họ được cuộc đời đưa đẩy vào những dự án nghiên cứu lớn như
vậy. Và tất nhiên là tôi mong ước một ngày nào đó, tôi được tham gia hay tận mắt
chứng kiến những thiết bị khoa học khổng lồ này.
Tất nhiên, tôi cũng hình dung được mức độ khó khăn rất
lớn và rất phức tạp trong những dự án đại khoa học này. Dù không chuyên nhưng
tôi cũng biết, ở mức hạ nguyên tử, việc khám phá cấu trúc của vật chất đòi hỏi
những nỗ lực rất lớn. Lý do là ở mức này, muốn tìm hiểu xem nguyên tử được cấu
tạo bởi những hạt nào, và các hạt đó liệu đã là đơn vị cấu tạo cuối cùng của vật
chất hay chưa, thì không còn cách nào khác là phải “đập vỡ” nguyên tử và các hạt
hạ nguyên tử ra để xem xét. Điều này đòi hỏi năng lượng cực lớn, và những công
nghệ rất phức tạp. Nên mãi đến cuối thế kỷ XX, việc thăm dò những cấu trúc sâu
của vật chất, mới có khả năng thực hiện được thông qua các máy gia tốc hạt lớn,
như máy LHC ở CERN.
Chỉ riêng một chi tiết rất nhỏ này thôi cũng đủ để
hình dung sự phức tạp của các thực nghiệm trong LHC. Đó là hệ thống này vận hành
trong môi trường chân không siêu cao. Với những thiết bị nhỏ thì việc duy trì
chân không là không mấy khó khăn. Nhưng LHC là một thiết bị khổng lồ, có đường
kính 27 km, nằm sâu dưới lòng đất 100 m, và tổng độ dài của hệ thống chân không
lên đến hơn 60 km, thì lại khác. Chỉ cần có một chỗ rò rỉ, dù bé bằng đầu kim,
thì cũng đủ để gây mất chân không và phải dừng thí nghiệm để khắc phục. Nhưng
việc này không dễ dàng gì. Tìm một lỗ rò nhỏ xíu trong một hệ thống dài 60
km quả thật không khác gì mò kim đáy bể!
Cũng từ đó, tôi để tâm theo dõi những thành tựu của CERN
với tâm trạng của một kẻ yêu thích nhưng chỉ được đứng từ xa ngó vào.
Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử, thấy rằng: Ngay từ xa xưa, con người
đã có tham vọng tìm hiểu cấu trúc sâu xa nhất của vật chất. Mỗi trường phái đều
đưa ra những giả thiết khác nhau tùy thuộc vào trải nghiệm và văn hóa của chính
họ. Chẳng hạn, trong thời Hy Lạp cổ đại, Thales (624-546. TrCN) cho rằng vạn vật
được tạo thành từ nước; Anaximenes (585-528 Tr.CN) lại cho rằng vạn vật được tạo
thành từ không khí; Heraclitus (kh. 535-475 Tr.CN), người nổi tiếng với câu nói
‘không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông”, thì cho rằng vạn vật được tạo
thành từ Lửa, vì Lửa linh động và thay đổi không ngừng; còn Empedocles (490-430
Tr.CN) lại cho rằng vạn vật được tạo thành bởi bốn nguyên tố là Đất – Nước – Lửa
– Không khí, được liên kết với nhau bởi hai loại lực hút và lực đẩy.
Ở phương Đông cũng có những giả thiết tương tự. Nổi bật
nhất là hai trường phái Âm – Dương và Ngũ hành. Phái Âm – Dương cho rằng vạn vật
đều do hai yếu tố Âm và Dương tương tác mà thành. Còn phái Ngũ hành thì cho rằng
vạn vật là do năm yếu tố Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ tương hợp với nhau theo
luật Tương sinh - Tương khắc mà tạo thành.
Tuy nhiên, đáng lưu ý là Anaxagoras (500-428 tr. CN)
khi cho rằng vạn vật được cấu thành từ vô vàn những vật rất nhỏ, và đặc biệt là
quan điểm của Democritus (460-370 Tr.CN) khi cho rằng, vạn vật được tạo thành từ
các nguyên tử - tức các phần tử nguyên, nhỏ bé đến mức không thể phân chia
thành nhỏ hơn được nữa.
Giả thiết về sự tồn tại của nguyên tử như là thành phần
cấu tạo nên vật chất, cuối cùng cũng được khoa học kiểm nghiệm sau hơn hai mươi
thế kỷ. Chẳng hạn, năm 1808, Dalton đã tiến hành những thí nghiệm khẳng định sự
tồn tại của nguyên tử. Nhưng phải sang thế kỷ XX, lý thuyết về vật lý nguyên tử
mới có được những cơ sở chắc chắn, và cuối cùng, phải đến những năm 1980s thì
con người mới có thể nhìn trực tiếp nhìn được các nguyên tử thông qua kính hiển
nguyên tử lực.
Như vậy, trong 2500 năm qua, con người đã đi qua những
nấc thang nhận thức khác nhau về cấu trúc của vật chất. Ban đầu chỉ dừng lại ở
những giả thuyết về sự tồn tại của các nguyên tố cơ bản cấu thành vạn vật, sau
đó đi xa hơn bằng việc kiểm chứng bằng thực nghiệm sự tồn tại của không chỉ các
nguyên tố, mà còn ở đơn vị cấu trúc nhỏ nhất của nó là các nguyên tử, và cuối
cùng là ở mức hạ nguyên tử, tức các hạt cơ bản.
Thế giới của nhà vật lý
Nhờ sự phát triển của vật lý ở thế kỷ XX, con người biết
được nguyên tử không phải là đơn vị nhỏ nhất để cấu tạo nên vật chất – như gợi
ý từ tên gọi của nó. Trên thực tế, các nguyên tử được lại cấu tạo từ các hạt nhỏ
bé hơn nữa, gọi là các hạt cơ bản.
Các hạt này được chia làm hai nhóm lớn: nhóm hạt
Fermion tạo ra vật chất, như các quarks trong hạt nhân nguyên tử và các
electron ở vỏ nguyên tử…; và nhóm các hạt boson tạo ra trường lực như các gluon
(hạt truyền lực mạnh), W & Z boson (hạt truyền lực yếu), photon (hạt truyền
lực điện từ) và graviton (hạt truyền lực hấp dẫn).
Mọi vật trong vũ trụ, cả dưới dạng chất và trường, đều
được tạo thành từ các hạt cơ bản này.
Kích thước của các hạt cơ bản vô cùng nhỏ bé, cỡ một
phần triệu tỷ mét. Vì thế, muốn hiểu các hạt này thì phải có các lý thuyết để
khảo sát ở kích thước này. Lý thuyết đó là Cơ học Lượng tử.
Theo lý thuyết này thì các hạt nhỏ bé này có các hành
xử vô cùng khác lạ so với vật thể vĩ mô trong thế giới thông thường. Chẳng hạn,
chúng vừa là sóng, tức có khả năng lan truyền, lại vừa là hạt, tức đứng yên tại
chỗ. Thực tế chúng nhảy múa không ngừng. Không gian càng hẹp, chúng nhảy múa
càng dữ dội.
Lực ngự trị trong thế giới lượng tử là lực mạnh, lực yếu
và lực điện từ, tùy thuộc vào đối tượng khảo sát.
Ở đầu kia của biên giới, tức ở khoảng cách cực lớn,
thường chỉ hiện hữu trong các nghiên cứu thiên văn, thì thế giới lại được mô tả
bởi một lý thuyết khác. Đó là Thuyết tương đối. Theo thuyết này, thì không gian
và thời gian gắn chặt với nhau và không thể tách rời, năng lượng và khối lượng
có thể qui đổi cho nhau, và vận tốc ánh sáng là vận tốc giới hạn của vũ trụ.
Lực ngự trị trong thế giới thiên văn là lực hấp dẫn.
Như vậy là có bốn loại lực ngự trị trong tự nhiên, là
lực mạnh, lực yếu, lực điện từ và lực hấp dẫn. Hẳn nhiên là bất cứ nhà vật lý
nào cũng mong muốn tìm được một lý thuyết có thể thống nhất được cả bốn loại lực
trên. Điều này thật cám dỗ, nhưng không dễ. Thực tế, việc thống nhất bốn loại lực
trong tự nhiên được coi là thách thức lớn nhất của vật lý hiện đại.
Tuy nhiên, họ đã thành công trong việc thống nhất ba lực
yếu, lực mạnh và lực điện từ bằng một lý thuyết, gọi là Mô hình chuẩn – một
trong những thành tựu đáng nể của Vật lý thế kỷ XX.
Mô hình chuẩn cho phép giải thích được nhiều điều
trong thế giới lượng tử. Chẳng hạn, lý thuyết này đòi hỏi sự tồn tại của các hạt
gluon, boson và phonton. Thực nghiệm đã kiểm chứng điều này với độ chính xác rất
cao. Trên thực tế, Mô hình chuẩn đóng vai trò dẫn dắt trong các nghiên cứu về vật
lý hạt. Trước khi tìm kiếm một hạt mới, người ta có thể tiên đoán chính xác
tính chất của hạt đó ra sao.
Nhưng có nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ mà Mô hình chuẩn chưa
có câu trả lời. Chẳng hạn, vì sao các hạt cơ bản lại có khối lượng?
Rõ ràng, các thông minh nhất để trả lời câu hỏi này là
giả thiết rằng, tồn tại một loại hạt mới, có trách nhiệm mang lại khối lượng
cho các hạt cơ bản khác thông qua tương tác với chúng. Ý tưởng này được 6 nhà vật
lý đưa ra vào năm 1964. Hạt này sau được gọi là hạt boson Higgs. Tuy nhiên, sự
tồn tại của hạt boson Higgs này rất khó kiểm chứng. Một trong những lý do là Mô
hình chuẩn không tiên đoán được chính xác khối lượng của hạt này, nên thực nghiệm
chỉ còn cách mò mẫm!
Nếu tìm ra được hạt boson Higgs thì không chỉ giải
thích được vì sao các hạt cơ bản khác lại có khối lượng, mà còn chứng minh được
Mô hình chuẩn là khả tín, vì hạt Higgs được coi là mảnh ghép cuối cùng trong bức
tranh thế giới mà Mô hình chuẩn vẽ ra. Sâu xa hơn, nó cũng giúp con người hiểu
rõ hơn về cấu trúc của vật chất, và do đó là sự hình thành của vũ trụ, đặc biệt
là ở giai đoạn khởi đầu khi bốn loại lực trong tự nhiên còn thống nhất với
nhau.
Đó là lý do vì sao hàng chục nghìn nhà khoa học, đã
dành nhiều nỗ lực hàng chục năm ròng để vượt qua vô vàn khó khăn trong việc tìm
kiếm hạt Higgs trong các máy gia tốc lớn.
Boson Higgs: “Hạt của Chúa”?
“Hạt của Chúa” là tên gọi của boson Higgs trong truyền
thông đại chúng. Tiếc thay, tên gọi này không giúp gì cho việc hiểu bản chất của
hạt boson Higgs, mà chỉ phủ thêm một màn huyền bí giật gân lên hạt Higgs vốn đã
rất khó hiểu. Trên thực tế, hạt này ban đầu bị Leon M. Lederman, nhà vật lý hạt
được giải Nobel năm 1988, gọi là “hạt chết tiệt” (goddamn particle) trong một
cuốn sách khoa học đại chúng, nhưng biên tập viên tòa soạn đã sửa thành “God
particle”, tức hạt của Chúa, vào phút cuối vì cho rằng chữ goddamn là một từ
thô tục!
Không ai biết được vì sao những hạt cơ bản lại có khối
lượng. Nói cách khác, cơ chế sinh ra khối lượng còn là điều bí ẩn. Nhưng rõ
ràng là chúng ta đều có khối lượng, và nhiều người còn theo dõi chúng một cách
sát sao. Nên rõ ràng, hiểu được vì sao các hạt lại có khối lượng là một điều
quan trọng. Đó chính là lý do vì sao việc truy tìm hạt Higgs, và qua đó làm rõ
bằng cách nào các hạt lại có khối lượng, để từ đó hình thành nên vật chất có cấu
trúc, lại thu hút sự quan tâm lớn như vậy của cộng đồng khoa học.
Để hình dung xem bằng cách nào mà hạt boson Higgs mang
lại khối lượng cho các hạt khác, bạn có sẵn lòng ra đường phố Hà Nội hoặc Thành
phố Hồ Chí Minh vào giờ tan tầm? Nếu có, bạn sẽ hiểu được cách thức hạt boson
Higgs mang lại khối lượng cho các hạt khác.
Nếu đường thông thoáng ở mức lý tưởng, xe bạn sẽ chạy
như bay. Bạn có thể tiếp tục nhấn ga và mơ đến vận tốc ánh sáng. Xe lướt nhẹ
tênh như không trọng lượng. Nhưng vào giờ tan tầm, đường phố chật cứng. Xe bạn
nhích từng mét hoặc giậm chân tại chỗ hàng giờ. Bạn phải nghiêng bên nọ, lách
bên kia nên không còn ở trạng thái đối xứng
hoàn hảo nữa. Bỗng nhiên cả bạn và xe bỗng trở nên chậm chạp nặng nề như bị một
khối lượng hàng trăm tấn kéo lại, không thể di chuyển hay nhúc nhích được.
Sự thật là sao ta? Có phải là bạn và xe bỗng nhiên nặng
nề hơn vào giờ tan tầm, nên di chuyển chậm hơn? Chắc hẳn là không. Bạn vẫn theo
dõi cân nặng của mình thường xuyên, nên không thể có chuyện bạn tăng cân được. Nhưng
nếu bạn hiểu khối lượng không phải là chỉ số trên bàn cân, mà là độ chậm chạp
khi di chuyển, thì lại đúng là bạn đã bị tăng cân. Nguyên nhân là do tắc đường.
Chính tắc đường đã làm cho bạn di chuyển chậm chạp, vì phải tương tác với các phương
tiện giao thông khác. Điều này đồng nghĩa với việc xe bạn bỗng nhiên nặng nề
hơn hàng chục lần, với bằng chứng là bạn không nhích chân di chuyển được!
Đó chính là cách hạt boson Higgs mang lại khối lượng
cho các hạt cơ bản khác. Nói cách khác, hạt Higgs tương tác với các hạt cơ bản
khác, phá vỡ đối xứng cục bộ và làm chúng chuyển động chậm lại, không còn tự do
bay với vận tốc ánh sáng được nữa. Và các hạt khác tìm thấy khối lượng của mình
thông qua việc tương tác đó.
Nếu không có hạt boson Higgs, sẽ không có trái đất, mặt
trăng, mặt trời và các ngôi sao v.v., vì khi đó tất cả các hạt cơ bản đều không
có khối lượng, chuyển động với vật tốc ánh sáng, nên không có gì có thể giữ
chúng lại với nhau để hình thành vật chất có cấu trúc được. Chúng ta, tất nhiên
cũng sẽ không tồn tại. Đó có thể lý do vì sao đại chúng lại chấp nhận gọi đây là
hạt của Chúa, dù được khai sinh một cách ngẫu nhiên.
Ba thế giới, ba bí mật
Rõ ràng việc tìm kiếm hạt Higgs được khích lệ bởi niềm
tin vào Mô hình chuẩn. Nếu không có niềm tin này, không ai có thể dành ngần ấy
thời gian và nguồn lực để tìm kiếm hạt Higgs trong suốt gần ba chục năm qua.
Nhưng vì đâu mà một lý thuyết, như mô hình chuẩn, lại
có thể là nguồn khích lệ lớn đến như vậy trong việc khám phá khoa học? Và vì sao các lý thuyết khoa học, như Mô hình
chuẩn chẳng hạn, lại mô tả chính xác thực tại đến như vậy, là một câu hỏi còn bỏ
ngỏ. Rõ ràng, còn người được hình thành từ vật chất. Nhưng bằng cách nào mà khối
vật chất đó lại sinh ra đời sống tinh thần, và từ trong đời sống tinh thần đó,
lại sinh ra các định luật khoa học có khả năng mô tả ngược lại thế giới vật chất
xung quanh? Theo Penrose, nhà toán học Anh, thì đó là những bí mật lớn mà con
người cần giải đáp. Mà bước đầu tiên là xác thực rằng, có một mối liên hệ giữa
thế giới Toán học, hay rộng hơn là thế giới các định luật khoa học, với thế giới
thực tại. Cụ thể: Lý thuyết khoa học có thể mô tả chính xác được thực tại.
Trong đó, Mô hình chuẩn là một điển hình.
Chính vì thế, việc kiểm chứng tính đúng đắn của mô
hình chuẩn không chỉ có ý nghĩa trong vật lý, mà còn có những hệ quả sâu xa hơn
trong khoa học và triết học, đặc biệt là trong nhận thức về vật chất và thế giới,
và cả nhận thức về chính bản thân nhận thức nữa.
Ba thế giới và ba bí ẩn của Penrose
Kỷ nguyên khoa học mới
Trong buổi báo cáo kết quả nghiên cứu ngày 4/7, GS.
Joe Incandela của nhóm CMS là người trình bày trước. Khi bảng kết quả tổng hợp
cho thấy, độ tin cậy của kết quả thực nghiệm đạt mức 5 sigma, cả khán phòng đã
vỗ tay hoan hô vang dội. Cần nói thêm, độ tin cậy 5 sigma tương ứng với sai số
là ba phần mười triệu (độ tin cậy >99.9999%), là mức mà các nhà vật lý hạt
cơ bản sử dụng để công nhận một phát hiện mới.
Đây là lần đầu tiên tôi thấy những tiếng vỗ tay giữa
chừng, và lâu như vậy, trong một báo cáo khoa học. Đến khi TS. Fabiola Gianotti báo
cáo, khi dữ liệu cho thấy, độ tin cậy cũng đạt mức 5 sigma, một lần nữa khán
phòng lại vỗ tay vang dội, đến mức Fabiola Gianotti phải bật cười và nhắc nhở khan
giả kiềm chế. Đây là một ngoại lệ, vì thường thì thì các nhà khoa học
ít khi bị kích động. Việc vỗ tay giữa chừng và lâu như vậy thường chỉ diễn ra
trong các buổi hòa nhạc, chứ không phải là trong các báo cáo khoa học.
Hiện giờ nhà khoa học còn thận trọng, chỉ xác nhận đó
là một loại hạt mới, có nhiều đặc điểm của hạt boson Higgs, chứ chưa thể khẳng
định đó là hạt boson Higgs theo tiên đoán của Mô hình chuẩn. Trong thông cáo
báo chí, CERN viết: Hai nhóm ATLAS và CMS đã giới thiệu những kết quả thực nghiệm
mới nhất trong việc tìm kiếm hạt Boson Higgs. Các thực nghiệm này cho thấy những
chỉ dấu hiệu mạnh về sự tồn tại của một loại hạt mới, có thể là hạt boson
Higgs, có khối lượng khoảng 126 GeV.
Nhưng giới chuyên môn đều cho rằng, đây là một đại sự
kiện trong khoa học đương đại, và là khởi đầu của một kỷ nguyên khoa học mới.
Chưa ai có thể nói chính xác mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào, vì một lẽ đơn
giản: Đây là một sự khởi đầu, chứ không phải là một kết cục. Nhưng có thể dự
đoán, những nghiên cứu trong máy gia tốc LHC trong thời gian tới sẽ tập trung
vào làm rõ tính chất của hạt mới được khám phá, để khẳng định xem đó có phải là
hạt boson Higgs theo dự đoán của mô hình chuẩn hay không.
Vì không ai có thể nói chính xác con đường mình khai
phá sẽ ra sao, khi chỉ mới mở được cánh cửa để bước vào đó, nên những tiên đoán
về hệ quả của khám phá này mang lại đối với khoa học là không thể. Tuy nhiên,
người ta có quyền hy vọng vào những hé lộ mới mà khám phá này có thể mang lại
trong việc hiểu sâu hơn về cấu trúc của vật chất, về cơ chế phá vỡ đối xứng của
tự nhiên, và đưa ra những gợi ý trong việc tìm kiếm những loại hạt khác. Từ đó,
có thể giúp hiểu rõ hơn về vật chất và vũ trụ, đặc biệt ở thời điểm mới hình
thành.
Tóm lại, việc tìm ra hạt Higgs đã mở ra một kỷ nguyên
mới cho khoa học trong hành trình khám phá vật chất và vũ trụ, và có thể cả nhiều
lĩnh vực liên quan khác nữa.
Chỉ có một khoa học
Một chi tiết khá thú vị khác cũng nên lưu tâm: trong
buổi họp báo sau báo cáo khoa học, khi một phóng viên trẻ người Nhật hỏi vị chủ
tọa, GS. Rolf-Dieter Heuer, Tổng giám đốc của CERN rằng, trong hoàn cảnh kinh tế
khó khăn như hiện thời, thì liệu rằng những nghiên cứu cơ bản như thế này là
lãng phí? Nên chăng cần tập trung cho nghiên cứu ứng dụng có thể giúp hàng triệu
người?
Rõ ràng đây là một câu hỏi khó, không phải vì ở bản
thân câu hỏi, mà ở việc giải thích cho những người ngoài giới hiểu được vai trò
của khoa học cơ bản, do sự khác biệt về quan điểm và tầm nhìn. Nhưng sau một
chút bối rối, Heuer đã tìm ra cách giải thích rất thông minh, đại ý rằng: Chỉ
có một khoa học. Do đó, không nên chia ra thành khoa học cơ bản và khoa học ứng
dụng. Nhiều người cho rằng khoa học cơ bản là vô bổ, không mang lại hiệu quả
kinh tế gì. Nhưng không hẳn thế, khoa học cơ bản là gốc rễ của sáng tạo. Như
internet chẳng hạn, được phát minh ra tại đây, vì chúng tôi cần nó. Do đó,
không nên tính chuyện chỉ tập trung cho khoa học cơ bản hay ứng dụng, mà cần phải
tìm ra một cân bằng đúng. Tỷ như anh có một lượng ngũ cốc, anh phải chia ra
thành hai phần, một phần để ăn, một phần để gieo trồng. Anh không thể ăn hết,
vì như thế thì không còn gì cho mùa sau nữa. Anh cũng không thể mang đi trồng hết,
vì như thế sẽ bị chết đói. Vì thế, điều quan trọng là cần phải tìm được một tỷ
lệ đầu tư đúng giữa cơ bản và ứng dụng.
Quả là một nhận định đáng suy ngẫm.
Sự khiêm nhường đáng kính
Hạt boson Higgs có đến 6 cha đẻ khác nhau. Đó là Robert Brout,
François Englert, Gerald Guralnik, Carl Richard Hagen, Peter Higgs và Thomas
Kibble. Tiên đoán về sự tồn tại của hạt boson này được công bố độc lập trong
ba bài báo khoa học năm 1964.
Trọng tâm của các nghiên cứu do nhóm ATLAS và CMS ở
CERN tiến hành là tìm kiếm hạt boson Higgs.Đó là lý do vì sao ông được mời tham
dự buổi báo cáo ngày 4/7/2012 ở CERN cùng với François Englert. Đó
cũng là lý do vì sao, ngay trong khi thảo luận báo cáo, chủ tọa đã dành một phần
bình luận cho hai nhà vật lý đáng kính này. Trên màn hình, khan giả khắp thế giới
có thể thấy Higgs cảm động đến rơi nước mắt. Ông cho biết mình không ngờ là hạt
Higgs lại có thể được tìm thấy trong đời mình, và không quên hài hước khi nói sẽ
nhắc gia đình đặt vài chai sâm-panh vào tủ lạnh. Rõ ràng là Higgs rất xúc động,
và rất vinh dự trước sự kiện này. Nhưng trong buổi họp báo, khi phóng viên dành
câu hỏi cho Higgs, có lẽ vì tên ông gắn liền với sự kiện này, thì ông đã từ chối
nói về cá nhân mình, và cho rằng nên trở lại nội dung khoa học của khám phá này
để tránh làm mất thời gian của cử tọa.
Thật là một sự khiêm nhường đáng suy ngẫm.
---
Bản rút
gọn đã đăng trên Tuổi
trẻ Cuối tuần, số 28, 13/7/2012.